Đồng tính luyến ái và xã hội Đồng tính luyến ái

Thái độ của xã hội về đồng tính phản ánh thái độ của chính quyền và tôn giáo, đã thay đổi rất nhiều trong suốt chiều dài lịch sử cũng như bề rộng của Trái Đất, từ việc bắt mọi người đàn ông có quan hệ, đến việc chấp nhận, đến việc xem nó như một tội nhỏ bị cấm đoán qua luật pháp và tòa án, cho đến việc xem nó như là một trọng tội đáng bị xử tử.

Tình trạng thành kiến, kỳ thị và phân biệt đối xử với người đồng tính

Mỗi cá nhân sinh ra không tự bản thân lựa chọn thiên hướng tình dục. Khoa học hiện đại cũng đã chứng minh và khẳng định đồng tính luyến ái không phải là một bệnh tâm lý, nó là một trong các thiên hướng tình dục bình thường của con người. Tuy nhiên trên thực tế, do thuộc thiên hướng tình dục thiểu số, người đồng tính vẫn phải chịu sự thành kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử từ những người dị tính và xã hội nói chung. Hậu quả của thành kiến, kỳ thị và phân biệt đối xử có thể khiến cho nhiều người đồng tính thường xuyên gặp vấn đề tâm lý lo âu, áp lực, căng thẳng dẫn đến trầm cảm, thậm chí một tỷ lệ cao từng có ý định và nỗ lực tự tử[236]. Một nghiên cứu của Viện Ontario Nghiên cứu Giáo dục, Trường Đại học Toronto, Canada đã chỉ ra: "Người đồng tính nam và nữ thường trải cảm giác tiêu cực về tâm lý khi họ lần đầu tiên nhận ra xu hướng đồng tính luyến ái của mình trong thời niên thiếu hay tuổi trưởng thành. Điều này làm cho quá trình hình thành bản sắc giới tính diễn ra khó khăn hơn và có thể gây ra thách thức về tâm lý cho người đồng tính trong suốt cuộc đời[237].

Các hình thức khác nhau mà người đồng tính luyến ái có thể gặp phải bởi hành vi thành kiến, kỳ thị và phân biệt đối xử:

  • Công khai thiên hướng tình dục, nhưng bị từ chối bởi các thành viên gia đình và bạn bè.
  • Bị bắt nạt hay chế giễu bởi bạn cùng học (học sinh sinh viên).
  • Bị trêu chọc, đùa cợt hoặc sách nhiễu tại nơi làm việc.
  • Bị đe dọa hoặc đánh đập khi ra đường.
  • Phải che giấu một phần bản thân trong các quan hệ xã hội vì sợ bị từ chối hoặc không được tôn trọng.
  • Cảm thấy tội lỗi và xấu hổ về thiên hướng tình dục của bản thân khi phải đối mặt với những thông điệp tiêu cực được tuyên truyền bởi xã hội xung quanh[238]
  • ...

Một cuộc khảo sát trên đối tượng thanh niên được tiến hành bởi tổ chức GLSEL- Mỹ đã báo cáo kết quả: những thanh niên đồng tính được khảo sát cho biết đã từng bị quấy rối bằng lời nói (61%), quấy rối tình dục (47%), sách nhiễu bằng hành động (28%) và tấn công bằng hành động (14%). Đại đa số thanh thiếu niên thuộc nhóm tình dục thiểu số (90%) thường xuyên hoặc đôi khi nghe thấy những nhận xét ​​thành kiến, kỳ thị đồng tính tại các trường của họ, và nhiều người (37%) đã nghe thấy những phát biểu từ chính các giảng viên hoặc nhân viên nhà trường[236]. Một nghiên cứu khác cũng thấy thanh niên thuộc nhóm tình dục thiểu số bị bắt nạt nhiều hơn 2-3 lần so với những người dị tính, và gần như tất cả các sinh viên chuyển giới đã bị quấy rối bằng lời nói (như trêu chọc, đe doạ tại trường)"[239].

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Q. Campus Pride (Mỹ) về người đồng tính trong môi trường đại học, thực hiện khảo sát 5.150 người tại 100 trường đại học cao đẳng, đã cho tỉ lệ: khoảng 25 phần trăm số người đồng tính nữ, đồng tính nam và một phần ba người chuyển giới là sinh viên, giảng viên, nhân viên tại các trường đã từng bị sách nhiễu vì khuynh hướng tình dục của họ[240].

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thanh thiếu niên là người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính có một tỷ lệ cao hơn nhiều so với người trẻ dị tính luyến ái về ý định tự tử. Trung tâm Dữ liệu Phòng chống tự tử quốc gia Hoa Kỳ (SPRC) đã tổng hợp các nghiên cứu và ước tính có từ 30 đến 40% thanh niên thuộc nhóm tình dục thiểu số tùy thuộc vào lứa tuổi và giới tính, đã từng cố gắng tự tử.[241] Một nghiên cứu của chính phủ Hoa kỳ có tiêu đề Báo cáo của Nhóm công tác chuyên ngành của Bộ trưởng về vấn đề thanh niên tự tử , cho biết thanh thiếu niên LGBT có khả năng tự tử cao hơn những người trẻ tuổi khác gấp hơn bốn lần.[242].

Trong một cuộc họp vào tháng 5 năm 2012 của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR), Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-mon đã cho biết: "Trong tài liệu báo cáo của OHCHR cho thấy có một sự vi phạm nhân quyền đáng lo ngại ở tất cả các vùng miền. Chúng tôi thấy một hình ảnh của phân biệt đối xử, kỳ thị nhắm vào những con người chỉ vì họ là người thuộc xu hướng tình dục thiểu số. Có một sự bất công phổ biến tại những nơi làm việc, trường học và bệnh viện, có cả các cuộc tấn công, bạo lực kinh khủng, bao gồm cả tấn công tình dục. Có những người LGBT đã bị bỏ tù, tra tấn, thậm chí bị giết. Đây là một thảm kịch lớn cho những người phải chịu đựng, và là một vết nhơ bẩn đối với lương tâm chung của chúng ta. Nó cũng là một sự vi phạm luật pháp quốc tế[243]."

Tháng 12 năm 2011, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết đầu tiên công nhận quyền LGBT, được theo dõi và báo cáo bởi Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về tình trạng vi phạm nhân quyền đối với cộng đồng người LGBT, bao gồm tội ác kỳ thị, hình sự hóa đồng tính luyến ái và phân biệt đối xử. Báo cáo nhấn mạnh:

"Người đồng tính, song tính và chuyển giới thường là mục tiêu lạm dụng, hành hạ của các tổ chức tôn giáo cực đoan, các nhóm băng đảng quân sự không chính thức, các phần tử chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cũng như các hình thức bạo lực ở gia đình và cộng đồng...Bạo lực đối với người tình dục thiểu số có xu hướng đặc biệt xấu xa so với các loại hành vi tội phạm khác, một mức độ cao của sự độc ác và tàn bạo. Các Chính phủ thường hay bỏ qua bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên cơ sở thiên hướng tình dục."

Trưởng phụ trách các vấn đề toàn cầu - Uỷ ban nhân quyền Liên hiệp quốc Charles Radcliffe cũng cho biết: "Một trong những điều chúng tôi nhận thấy là nếu luật pháp cơ bản phản ánh tâm lý thù ghét đồng tính, thì sau đó nó sẽ tạo ra nạn thành kiến kỳ thị đồng tính trong xã hội nói chung. Nếu Chính phủ đối xử với họ như là tầng lớp hay thành phần thứ hai, hoặc tệ hơn là tội phạm, thì nó sẽ dẫn đường cho công dân làm điều tương tự". Ông nhấn mạnh rằng tất cả các nước thành viên của Liên Hợp Quốc có nghĩa vụ tuân theo Luật nhân quyền quốc tế để hợp pháp hoá đồng tính luyến ái.[244]

Dựa trên các báo cáo được theo dõi, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi tất cả các quốc gia bãi bỏ các điều luật kết án đồng tính luyến ái và ban hành toàn diện pháp luật chống phân biệt đối xử với người đồng tính. Ngoài ra, các chiến dịch thông tin tới cộng đồng cần được tuyên truyền phổ biến, đặc biệt là trong các trường học để chống lại hội chứng kỳ thị. Các cảnh sát và các quan chức thực thi hệ thống pháp luật cũng cần được đào tạo để đảm bảo những người LGBT được đối xử một cách đúng đắn và công bằng.[244][245]

Margaret Chan, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới WHO đã phát biểu: "Sự kiện WHO loại bỏ đồng tính luyến ái khỏi danh sách bệnh tâm lý từ năm 1990 là một bước tiến quan trọng, tuy nhiên trong hơn hai thập kỷ sau đó, sự kỳ thị và phân biệt đối xử chống lại người đồng tính vẫn còn tồn tại, và có thể dẫn đến hạn chế tiếp cận các dịch vụ y tế và bỏ qua các mục tiêu quan trọng trong các chương trình y tế. Phân biệt đối xử trên cơ sở xu hướng tình dục sẽ làm gia tăng tính dễ tổn thương dẫn đến trầm cảm, lo âu và lạm dụng thuốc ở thanh thiếu niên và người lớn; làm trầm trọng thêm bạo lực; cản trở tiếp cận với dịch vụ y tế do bị kỳ thị; và làm tăng nguy cơ các bệnh qua đường tình dục, bao gồm cả HIV"[246]

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban-kimoon đã tuyên bố thông điệp: "Với những bạn là người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính hay chuyển giới, cho tôi nói rằng: Các bạn không đơn độc! Cuộc đấu tranh của các bạn nhằm chấm dứt bạo lực và phân biệt đối xử là một cuộc đấu tranh chung. Bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào các bạn cũng là cuộc tấn công vào các giá trị cốt lõi của Liên hiệp quốc. Tôi thề sẽ đứng lên bảo vệ và giúp đỡ các bạn. Ngày hôm nay tôi đứng với các bạn, và kêu gọi tất cả các quốc gia, tất cả mọi người cùng đứng về phía các bạn"[243].

Trong nghị quyết thông qua tháng 4/2014, Hiệp hội tâm lý học Mỹ và Hiệp hội quốc gia các nhà tâm lý học "Khuyến khích các chuyên gia sức khỏe tâm thần kết hợp với trường học để giáo dục cho thanh thiếu niên về xu hướng tình dục đa dạng, bao gồm sự phát triển các đặc điểm giới tính, biểu hiện giới tính và khuynh hướng tình dục trong tất cả chính sách liên quan tới giáo dục, chú trọng chính sách chống bắt nạt và chống phân biệt đối xử. Khuyến khích giáo dục, đào tạo, phát triển chuyên môn liên tục về giới và thiên hướng tình dục đa dạng của học sinh sinh viên cho các nhà giáo dục và giáo viên trong nhà trường; giáo dục kiến thức và tinh thần cho các học viên ngành y tế, các chuyên gia trường học, những người lãnh đạo và nhân viên các trường học. Đào tạo và giáo dục như vậy nên sẵn sàng với các học sinh sinh viên, phụ huynh và mọi người dân trong cộng đồng"[39].

Kỳ thị

Chống kết hôn đồng giới ở Tây Ban Nha.

Trong nhiều nền văn hóa, người ta thường có thành kiến và kỳ thị người đồng tính. Người đồng tính nam được xem là ẻo lả và chạy theo mốt.[247][248][249] Tuy vậy nghiên cứu cho thấy họ có những quan hệ tình cảm lâu dài.[250] Nhiều người cho rằng người đồng tính nam thích ấu dâm và lạm dụng tình dục trẻ em hơn là người dị tính nam, các nghiên cứu cho thấy điều này không đúng.[251][252][253] Nhiều người nghĩ người đồng tính nữ là những người sắt đá như đàn ông và đôi khi căm ghét đàn ông[254] hoặc người bị ám ảnh bởi việc đấu tranh cho quyền phụ nữ.[255] Nhiều người khác thì nói rằng họ cởi mở với đồng tính, nhưng khi xem ảnh thân mật của các cặp đồng tính thì họ lại đều cảm thấy ghê sợ, cho thấy tâm lý ghê sợ đồng tính thực ra vẫn tồn tại trong những người này, trái với lời nói bên ngoài của họ.[256]

Trong nhiều trường hợp người đồng tính bị kết tội là nguyên nhân của tệ nạn xã hội. Trong thế kỷ XX, Đức quốc xã hành quyết những người đồng tính vì cho rằng họ đe dọa cho sự nam tính và làm dơ bẩn "giống nòi Aryan". Những năm 1950, hàng trăm người bị sa thải vì là đồng tính trong một chiến dịch có tên là "Nỗi sợ hoa oải hương" của McCarthyism. Tuy nhiên, nhiều nhà chính trị đã chỉ trích một cách mỉa mai ông vì có phụ tá là người đồng tính, Roy Cohm.

Vào tháng 1 năm 2001, Bộ văn hóa Ai Cập cho đốt 6.000 quyển sách thơ đồng tính thế kỷ thứ VIII của nhà thơ Ba Tư-Ả Rập Abu Nuwas để xoa dịu người Hồi giáo.[257][258]

Bạo hành đối với người đồng tính

Mỹ, theo FBI 15,6% vụ tấn công do thù ghét được trình báo với cảnh sát là do kỳ thị đồng tính. Trong đó 61% vụ tấn công là nhằm vào người đồng tính nam.[259] Năm 1998, một sinh viên đồng tính là Mathew Shepard đã bị giết, đây là một trong những vụ tai tiếng nhất ở Mỹ.

Hiện nay đồng tính luyến ái có thể bị xử tội tử hình ở 8 nước là Iran, Mauritanie, Nigeria, Pakistan, Ả Rập Xê Út, Sudan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và Yemen.[260]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đồng tính luyến ái http://www.betterhealth.vic.gov.au/bhcv2/bhcarticl... http://www.psychology.org.au/Assets/Files/LGBT-Fam... http://www.cpa.ca/cpasite/UserFiles/Documents/advo... http://www.cpa.ca/cpasite/userfiles/Documents/Marr... http://www.cpa.ca/cpasite/userfiles/Documents/Prac... http://books.google.ca/books?id=EftT_1bsPOAC&pg=PA... http://www.montrealites.ca/justice/same-sex-marria... http://www.chinadaily.com.cn/english/doc/2004-12/0... http://www.advocate.com/parenting/2013/10/04/natio... http://www.amazon.com/Sex-America-Edward-Laumann/d...